Buổi sáng nhìn mặt trời lên, nghe chim hót, có chánh niệm, ta mỉm cười, ta thấy những thứ đó đều mầu nhiệm. Xúc và Thọ cần nuôi dưỡng và mang tới thân tâm chúng ta chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Nếu ta không tự thương ta được thì ta không có khả năng thương người khác. Tình thương người ta thường nói tới có thể chỉ là sự đắm đuối, vướng mắc, là năng lượng kéo nhau xuống vực thẳm của biển khát ái thôi, chứ không phải là tình thương đích thực.
Nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng người xung quanh bằng tình thương, đó là sự thực tập của chúng ta. Và tình thương ở đây phát xuất từ Tuệ. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Bản chất của Từ Bi là Trí Tuệ. Thương mà không hiểu thì làm khổ người mình thương.
Ví dụ tôi sợ mùi sầu riêng. Nếu sư chú nói: Chắc là Thầy mệt, nếu ta mời Thầy ăn sầu riêng thì Thầy sẽ khỏe. Bắt tôi ăn sầu riêng sẽ chỉ làm khổ tôi. Muốn hiến tặng niềm vui cho người, ta phải hiểu người. Con mắt chánh niệm phải quán sát. Cư xử với con cái cũng vậy, với mẹ cha cũng vậy.
Chúng ta có thể nói rằng trong đạo Bụt, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Mà hiểu biết là hoa trái của chánh niệm, của thiền quán.
(Sư Ông Làng Mai – Thiền sư Nhất Hạnh)
Chánh niệm mỗi ngày – Ít thôi, nhưng đều đặn
#côngphumỗingày #ThiềnBócLịch2021
#trieunguoisongbinhan #triệungườisốngbìnhan
Nguồn: https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-but/bai-22-ho-tri-sau-can-bang-chanh-niem/