(bài viết khi Ben mới chào đời năm 2018, đăng lại mừng sinh nhật 3 tuổi Quý An)
23/7/2021
Càng gần đến ngày sinh em bé út, cả nhà càng bàn tán sôi nổi về việc đặt tên cho em.
Khi sinh chị Na vào tháng 8 năm 2008, đúng thời điểm chính giữa mùa na, loại hoa quả mà cả Bố Mẹ đều thích ăn và quê ngoại của các con cũng là một nơi nổi tiếng với na Đồng Bành nên đã thống nhất đặt tên ở nhà là Na. Còn tên chính thức Bảo Chi thì do Bố tự đặt với quy tắc là tên không dấu và phát âm một cách thật nhẹ nhàng. Nhưng vô tình, khi ghép lại với tên mẹ lại thành Linh Chi – là tên một loại nấm rất tốt cho sức khoẻ.
Khi chuẩn bị sinh em Pi thì quyền đặt tên đã không chỉ còn là riêng của Bố Mẹ nữa, ít nhất có thêm một ý kiến của Na. Sau nhiều lần trao đổi bàn tán thì Na đề xuất tên ở nhà là Pi, Bố đồng ý luôn với ý nghĩa là số Pi và cũng là tên một nhân vật trong cuốn sách nổi tiếng “Cuộc đời của Pi”. Tên chính thức của Pi là Hải Phong, nghĩa là Gió Biển, cơn gió có thể thổi “cánh buồm” vươn ra biển lớn. Cánh Buồm được Bố lấy từ ý tưởng trong bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhóm sách “Cánh Buồm” do nhà giáo Phạm Toàn khởi xướng, và cũng là lấy từ ý bài thơ “Cánh Buồm” của Lermontov do Châu Diên (Phạm Toàn) dịch, trong đó có câu:
“Cánh buồm trong bão tố
Sóng gió chốn bình yên“
Ngoài ra, khi ghép tên hai bố con lại thành Bình Phong – như một lá chắn vững chắc để bảo vệ và che chở cho gia đình và hai người phụ nữ yêu thương!
Trong những ngày tháng bảy vừa qua, cả nhà lại đang chuẩn bị một cái tên nữa cho em bé sắp chào đời. Bây giờ thì tỷ lệ số phiếu của Bố Mẹ lại bị giảm đi vì có thêm hai phiếu của Na và Pi. Chị Na đề xuất tên “Pip” để ghép với tên Pi thành chữ Pippi trong truyện “Pippi tất dài” mà chị ấy yêu thích. Pi thì đề xuất là em “Sóc”, không hiểu tên này ở đâu ra nhưng cứ một điều, hai điều “con yêu em Sóc”. Mẹ thì đề xuất tên em Ben, lần này Mẹ nhất định muốn đặt một cái tên vì tị nạnh với Bố đã đặt tên cho hai chị em Na – Pi rồi. Rồi bỗng một hôm khi cả nhà vẫn đang bàn tán về tên cho em, Pi nói với Mẹ: “Con thích Mẹ sinh nhiều em nữa, em Sóc của con, em Pip của chị Na, em Ben của Bố”.
Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn cho tới khi em bé ra đời. Bố ủng hộ mọi quyết định đặt tên ở nhà cho em sau khi mấy mẹ con quyết định. Nhưng Bố đã nghĩ tới việc đặt tên chính thức cho con trai út của Bố. Điều đầu tiên Bố nghĩ tới là chữ AN. Bố đã thích ngay từ khi đọc được đâu đó về chiết tự của chữ này. Chữ An theo tượng hình chữ Hán được cấu thành từ bộ miên (宀) có nghĩa là mái nhà kết hợp với chữ nữ (女) với ý nghĩa rằng: có người phụ nữ trong nhà mới đem lại sự yên ổn, an vui, căn nhà mới thành tổ ấm. Ý nghĩa thứ hai, khi ghép tên hai bố con lại sẽ thành Bình An – đây là một trong những mong muốn lớn nhất của Bố.
Tiếp theo là tới tên đệm của em. Có rất nhiều lựa chọn để ghép với chữ An, nhưng Bố thấy rất thích một chữ đó là Quý. Chữ Quý thường được hiểu là nhỏ, là út như người con trai út (quý tử). Chữ Quý cũng nằm trong năm sinh của Bố đó là Quý Hợi – là kết hợp thứ 60, cũng là thứ tự cuối cùng trong hệ thống Can Chi. Không chỉ có vậy, chữ Quý còn là thứ tự tháng cuối cùng của một quý, và một điều ngẫu nhiên thú vị là con sinh vào tháng 6 âm lịch, tương đương với tháng Quý Hạ. Chữ Quý cũng có ý nghĩa như một mùa, “tứ quý” có nghĩa là bốn mùa, “xuân quý” có nghĩa là mùa xuân. Và còn nhiều ý nghĩa khác nữa nếu muốn tìm hiểu thêm. Nhưng chỉ với những gì đã tìm hiểu ở trên, Bố đã muốn đặt tên con là: HOÀNG QUÝ AN, với ý nghĩa đơn sơ rằng, con trai út của Bố sẽ mang lại bình an và hạnh phúc cho cả nhà.
Như vậy, xuyên suốt qua những tên gọi của các con, Bố Mẹ chỉ có mong muốn rằng gia đình mình sẽ dồi dào sức khoẻ nhờ Linh Chi, luôn được Bình Phong che chở và mãi mãi Bình An.
Thương yêu và tin cậy,
Bố của các con.
Hà Nội, tháng 11/2018