(bài đăng trên mục “Văn hóa đọc” của trang nhà NXB Kim Đồng năm 2016)
Ngày nay dường như có muôn vàn lý do khiến thời gian dành cho việc đọc sách của trẻ em ngày một ít đi. Có người cho rằng trẻ em không hứng thú với việc đọc sách bởi chúng bị hấp dẫn hơn bởi những sản phẩm của văn hóa nghe – nhìn. Có người thì cho rằng bên cạnh sách truyện, trẻ em còn có quá nhiều thứ để học như hội họa, âm nhạc, thể thao… Tuy nhiên, cũng có những người lại nhìn thấy ở đó một cơ hội tốt để vun đắp tình yêu sách cho con trẻ.
Anh Hoàng Thanh Bình, 33 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và hiện là bố của một cô bé 8 tuổi – bé Hoàng Ngọc Bảo Chi đã chia sẻ với chúng tôi một số suy nghĩ thú vị xung quanh vấn đề này.
– Anh có thể chia sẻ đôi chút về việc đọc sách của anh cùng với bé Bảo Chi được không ạ?
+ Thực ra, nói một cách chính xác thì việc đọc sách của con gái tôi lại không bắt đầu bằng… việc đọc sách! Khi bạn Na (tên thường gọi ở nhà của Bảo Chi) khoảng 2 – 3 tuổi, tôi thường cho con xem và nghe một hai clip của chương trình “Quà tặng cuộc sống” trước khi đi ngủ. Các câu chuyện đến với con một cách tự nhiên như vậy. Đến khoảng 5 tuổi thì tôi bắt đầu mua nhiều sách để đọc cho con và đọc cùng con. Khi đó con thường hay nhớ lại và liên kết các truyện trong sách với các mẩu chuyện đã được xem và nghe trước đây.
– Điều này quả thực rất thú vị! Nhiều bậc cha mẹ cho rằng hoạt động “đọc” nhất thiết phải tách rời khỏi các hoạt động như “nghe” hay “nhìn”.
+ Tôi lại không nghĩ vậy. Cũng có thể do đặc thù nghề nghiệp. Là người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi thấy chúng ta có thể kết hợp các phương tiện khác nhau để giúp con trẻ hứng thú hơn với việc đọc sách. Ví dụ như chuyện xem clip mà tôi vừa kể, hay là có thể tải một số sách nói để con nghe trước khi đi ngủ. Trẻ con thường thích được trải nghiệm nhiều thứ khác nhau. Đọc, nghe, xem… đều làm trẻ yêu sách hơn nếu chúng ta làm đúng cách.
– Mới tám tuổi nhưng bạn Na đã thể hiện khá rõ óc quan sát tinh tế và khiếu hài hước nữa. Theo anh, có mối liên quan nào giữa các loại sách mà anh chọn cho cháu và những nét tính cách này không ạ?
+ Có lẽ là có. Bạn ấy đọc khá nhiều loại sách khác nhau, nhưng chủ yếu là truyện chữ. Tôi không mua truyện tranh cho Na và cũng không khuyến khích bạn ấy đọc truyện tranh. Tôi cho Na đọc loạt sách “Hạt giống tâm hồn”, hoặc những bộ sách đã được kiểm chứng và đánh giá cao như bộ “Quốc văn giáo khoa thư”. Ngoài ra, bạn Na còn đọc khá nhiều truyện cổ tích: bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grimm, bộ “Nghìn lẻ một đêm”… Tôi thường cố gắng tạo cho cháu tâm thế thoải mái nhất với việc đọc sách. Bạn ấy có thể đọc nhảy cóc từ cuốn này sang cuốn khác nếu thích, có thể liên tưởng truyện này với truyện kia và trao đổi với tôi, hay là có thể vẽ tranh về các truyện đã đọc.
– Anh có thể nói rõ hơn chi tiết “vẽ tranh về các truyện đã đọc” được không ạ?
+ Vâng, bạn Na rất thích vẽ. Cháu luôn có sẵn đồ để vẽ ở nhà. Thậm chí nếu tôi đưa Na đi cà phê vào dịp cuối tuần, bạn ấy cũng thường mang theo giấy bút để vẽ. Có những “trò chơi” nho nhỏ với việc đọc sách và vẽ tranh mà Na rất thích thú. Ví dụ như vẽ lại các nhân vật hoặc cảnh vật trong truyện, kể lại câu chuyện bằng hình ảnh…
– Tò mò một chút, ngoài những sách mà anh đọc cho con và đọc cùng con, cá nhân anh thường thích đọc những loại sách nào? Và về lâu dài, anh có muốn “định hướng” cho con đọc sách giống mình không ạ?
+ Tôi cũng thích đọc nhiều loại sách khác nhau, từ triết học, tôn giáo, lịch sử đến văn học. Một số tác giả mà tôi yêu thích như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… Những tác phẩm của họ khiến cho tôi cảm thấy có một phần bản thân mình trong đó. Tôi cũng mong bạn Na có được cảm giác đó khi đọc sách.
– Nhiều ông bố bà mẹ thường phàn nàn rằng bản thân họ rất hiểu tầm quan trọng và lợi ích của việc đọc sách với con cái, nhưng thật khó để làm cho trẻ yêu sách và thích đọc sách. Là một người bố cho đến thời điểm này có thể coi là đã thành công bước đầu trong việc tạo dựng cho con cả tình yêu sách và thói quen đọc sách, anh có lời khuyên nào không ạ?
+ Kinh nghiệm cá nhân của tôi là áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Trong phòng của Na có đặt tủ sách riêng. Con được tiếp xúc với sách từ khi còn nhỏ. Khi đó, bạn Na thậm chí còn lấy sách làm đồ chơi, như để xếp nhà chẳng hạn. Lúc chưa biết đọc, tôi vẫn dẫn Na đi mua sách cùng, coi như một hoạt động vui chơi. Và khi con lớn hơn, tôi thường trữ sẵn những cuốn sách hay để làm quà tặng bất ngờ khi bạn ấy có thành tích gì đó cần được khích lệ hoặc trong những dịp đặc biệt. Ví dụ như lần sinh nhật 7 tuổi của bạn Na vừa qua, tôi đã tặng con 7 cuốn sách!
– Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị cùng những chia sẻ rất độc đáo!
Diệu Linh (thực hiện)
Cảm ơn những bài viết của chú rất hay và ý nghĩa!!!
Cháu có thể kết nối với chú nhiều hơn qua email về việc tạo blog/website được không ạ?
Cháu đang tạo và gặp một vài thắc mắc
Cảm ơn bạn. Bạn có thể email qua: bi@peaceworld.me ạ.