VÀI LỜI CỦA SƯ CÔ CHÂN KHÔNG VỚI ĐỘC GIẢ
(Nhân dịp xuất bản bộ Hồi ký 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự)
Sư cô Chân Không rất cảm động khi bộ hồi ký này được xuất bản và ra mắt độc giả, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chân Không theo Thầy học đạo và phụng sự.
Tuy nói là hồi ký của Sư cô Chân Không, nhưng trong những tập sách này, Chân Không cố ý viết chi tiết một số công tác hướng dẫn của Sư Ông – những điều đã thực hiện trong suốt 60 năm qua gây cảm hứng cho các sư cô, sư chú đã cạo đầu đi tu theo Sư Ông – một cụ già 93 tuổi mà đa số các em cũng không biết rõ ông cụ này đã làm được những gì mà thế giới quy ngưỡng đến vậy. Chân Không chỉ thuật được chút xíu những hạnh nguyện của vị Thầy quý kính của các em, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Người đã thực hiện những gì mà trong các quyển sách dạy giáo lý của Sư Ông, người chỉ nói phớt qua mà không hề kể về những công hạnh đã làm ấy.
Viết bốn tập hồi ký này, Chân Không chỉ mong các sư cô, sư chú, học trò xuất sĩ và cư sĩ của Sư Ông có thêm niềm tin nơi vị Thầy mà mình đã quyết tâm suốt đời theo tu học.
Bộ hồi ký gồm bốn tập:
Tập 1: Con đường mở rộng. Chân Không nói sơ về gốc rễ, cô bé Chân Không đến từ đâu, một vài chuyện tình rất thật trong đời một người trẻ. Rồi cô gái mười tám tuổi đó gặp Bụt ra sao, muốn xuất gia, muốn tự lập một ngôi chùa kiểu mới, muốn tự cạo đầu để có thể đi làm công tác giúp trẻ em nghèo đói một mình, không theo đường quý ni sư theo Phật giáo truyền thống. Gặp Thầy Nhất Hạnh, cô đi theo con đường phụng sự xã hội do Thầy hướng dẫn ra sao? Cứu trợ nạn nhân lũ lụt, đói lả trên sông Thu Bồn sau trận lụt Giáp Thìn 1964 với 4875 người chết như thế nào? Vượt qua những nơi giáp chiến hiểm nguy đến tính mạng để cứu trợ cho người đói, kêu gọi hoà bình, có duyên may cứu vài mảnh đời tan tác, đi chôn xác người chết quá nhiều trên đường phố Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968.
Tập 2: Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi. Chân Không nói về vai trò Phái đoàn Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hoà đàm Paris 1968 đến 1975, kể chuyện Thầy Nhất Hạnh đã dang tay cứu thuyền nhân trên Vịnh Xiêm La năm 1976, 1977 ra sao, khó khăn như thế nào.
Tập 3: Phương Hương xuôi vạn lý. Chân Không thuật chuyện Thầy Nhất Hạnh nhờ Chân Không đứng ra giúp giới văn nghệ sĩ, những nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ tài ba mà không được tự do sáng tác. Thầy đã viết thư (qua ngòi bút của một cô bác sĩ trẻ, qua những hộp thuốc men đầy ân tình) nâng đỡ họ, động viên, khen ngợi sâu sắc tài năng của họ, để họ có cảm hứng sáng tác trở lại. Đặc biệt trong tập này, Sư cô nói nhiều về nhạc sĩ Lê Thương với ba kiệt tác Hòn Vọng Phu.
Tập 4: Cần Thơ về Kinh Bắc. Chân Không chép giùm Thầy Nhất Hạnh những lời Thầy khen ngợi sâu sắc thi sĩ Hoàng Cầm – tác giả bài Bên kia sông Đuống ra sao. Bác sĩ Cần Thơ (dưới ngòi bút của Thầy) xuất hiện để đưa thi sĩ ra khỏi khung trời tuyệt vọng.
Đây toàn là những giây phút rất màu nhiệm trong đời mà Sư cô Chân Không được làm học trò của một vị chân tu, để khuyến khích các sư chú, sư cô trẻ rằng: nếu Sư cô Chân Không làm được, thì mình cũng làm được.
Bốn tập hồi ký này, Chân Không sẽ gửi tặng các bậc cha mẹ các sư cô, sư chú đã cho con đi theo con đường của một vị chân tu tròn 77 năm phụng sự để làm gương cho mỗi sư cô, sư chú. Mong mỗi người sẽ tiếp tục sự nghiệp của hàng triệu vị chân tu khác, nối tiếp những bước chân của Bụt Thích Ca.
Sư cô Chân Không cám ơn em Tâm Đại Bi đã đứng ra tổ chức gọn gàng việc in ấn và phát hành để sách được ra mắt sớm trong dịp kỷ niệm tròn “60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự” (11/1959 – 11/2019).
Nam mô Đức Bồ tát Đại hạnh Phổ Hiền và Đức Bồ tát Đại bi Quán Thế Âm.
Sư cô Chân Không
Tháng 9 năm 2019
VỀ TÁC GIẢ
Sư cô Thích Nữ Chân Không là một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai, tên thật là Cao Ngọc Phượng, sinh năm 1938, người tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Theo Thầy Làng Mai học đạo từ tháng 11 năm 1959 dưới hình thức cư sĩ tập sự xuất gia, giữ 14 giới Tiếp Hiện xuất gia từ tháng 2 năm 1966 với pháp danh Tâm Không và pháp tự Chân Không. Cô là một trong sáu vị đệ tử đầu tiên thọ giới Tiếp hiện với Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh tại chùa Pháp Vân, Sài Gòn.
— Từ điển Làng Mai
“Điều khiến tôi khâm phục nhất ở Sư cô Chân Không là khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Niềm tin vững chắc của Sư cô đối với giáo pháp này càng được củng cố khi sự tu tập không ngừng mang lại cho Sư cô hoa trái của chuyển hoá, chữa trị và niềm vui. Sự vững chãi, an lạc và hạnh phúc của Sư cô là nguồn động viên nhiệm màu cho rất nhiều các bạn ở Làng Mai cũng như trong đại gia đình tăng thân. Chân Không cũng có nghĩa là tình thương đích thực. Câu chuyện cuộc đời Sư cô vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả, đó là cả một bài pháp sống.”
— Thiền sư Thích Nhất Hạnh