TIẾNG VIỆT ƠI TIẾNG VIỆT XÓT XA TÌNH
Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp hay đại học, thì mạng xã hội lại dấy lên việc viết sai sót hay bàn ra tán vào về đề văn, trong đó nhiều nhất là đề cập tới sự trong sáng của tiếng Việt trong đề bài.
Mình ngày xưa bị liệt vào loại “dốt Văn” nên định viết về trào lưu “Tiếng Việt” bây giờ thì kiểu như “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng mà mình yêu Tổ Quốc, yêu Tiếng Việt, yêu Truyện Kiều thì mình cứ viết thôi.
Mình yêu hai chữ Việt Nam thêm nhiều sau khi nghe ca khúc “Việt Nam! Việt Nam!” của NS. Phạm Duy, chỉ bởi vì bài bát được bắt đầu bằng:
“Việt Nam! Việt Nam! Nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam! Việt Nam! Tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời”
Trong suốt 15 năm qua, dù đã đổi qua hơn mười chiếc điện thoại khác nhau, nhưng có một thứ không thay đổi, đó là nhạc chuông điện thoại với bài “Việt Nam! Việt Nam!” này.
Rồi sau đó thì mình nghe bản “Tình Ca” cũng của NS. Phạm Duy với những câu từ tha thiết như:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời…”
Trải qua hơn 200 năm sau khi Truyện Kiều ra đời, dù còn những ý kiến trái chiều nhưng không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của Nguyễn Du trong việc sử dụng thuần thục tiếng Việt, chữ Nôm với hơn 3000 câu thơ lục bát. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã có câu nói nổi tiếng tổng kết về tác phẩm này như sau:
“Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”
Gần đây hơn, Lưu Quang Vũ – một nhà soạn kịch, nhà thơ nổi tiếng, cũng đã có những câu thơ rất đắt về “Tiếng Việt” trong bài thơ cùng tên:
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.”
Câu thơ này cũng đã bị “dậy sóng” một thời gian khi được đưa vào đề thi tốt nghiệp Văn mấy năm trước. Nhưng nếu ai đã đọc, đã yêu thơ Lưu Quang Vũ thì sẽ không thể không nhớ mấy câu nữa:
“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…”
Nói vậy để thấy tiếng Việt của chúng ta đã có quá trình phát triển không ngừng, và nếu không có sự cải tiến liên tục, thì không thể cùng một “TIẾNG VIỆT” nhưng ngày xưa thì dùng chữ HÁN, sau này cải tiến thành chữ NÔM, rồi tới chữ LATIN, chữ QUỐC NGỮ như hiện nay. Làm sao có “ĐƯỜNG KÁCH MỆNH” để đi tới “CÁCH MẠNG”?
Nếu bạn đủ LẮNG, đủ TÂM thì bạn sẽ nhìn nhận đề tài khoa học này một cách khách quan hơn, đừng chỉ nhăm nhăm ném đá.
“Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.”
Tiếng Việt – tiếng nước tôi, thật đúng là “bốn ngàn năm ròng rã buồn vui“. Xin lại mượn lời bài hát của NS. Phạm Duy để kết thúc bài viết này:
“Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”
Hà Nội, 30/11/2017
Hoàng Thanh Bình