MÁI NHÀ LÀ TRƯỜNG HỌC TỐT NHẤT
HOME IS THE BEST SCHOOL
Hà Nội, ngày 25/7/2021
Lời tựa: Đây là những dòng tôi viết từ năm 2017 khi con gái đầu mới lên lớp 4, giờ bạn ấy đã học xong lớp 7 và con trai thứ 2 chuẩn bị vào lớp 1. Dù xã hội có thay đổi rất nhiều nhưng quan điểm về chọn trường, chọn lớp của tôi vẫn vậy, con trai thứ 2 của tôi đã đăng ký xong vào trường Tiểu học công lập ngay gần nhà với thủ tục nhập học chỉ trong vòng 30 phút. Xin chia sẻ lại bài này tới tất cả những bậc cha mẹ học sinh đã và đang chuẩn bị cho con bước vào lớp 1 hay chuẩn bị chuyển cấp.
“Giáo dục là công việc cả đời và quan trọng là cần xác định theo con lâu dài được hay không? Nếu muốn lâu dài và bền vững thì phải xuất phát từ bên trong từng đứa trẻ chứ không phải chạy theo những lời mời gọi bên ngoài.” – HTB
Thỉnh thoảng lại rộ lên một vài chuyện lùm xùm của các hệ thống giáo dục. Ai cũng thấy mình đúng và lý do đưa ra cho cái đúng đó đều hợp lý cả. Mình chỉ tin vào thực chứng nên mình không đưa ra ý kiến khi không “nằm trong chăn”. Mình chỉ muốn kể chuyện thật nhà mình, gọi là cũng có một chút liên quan tới giáo dục, trong câu chuyện đi học của con gái lớn.
MẪU GIÁO
Na đi học mẫu giáo từ khi 16 tháng tuổi – lý do đơn giản là vì bà giúp việc xin về quê rồi không lên luôn. Bố mẹ ở nhà thuê đổi mỗi năm một lần nên Na cũng mỗi năm một trường, tiêu chí chọn trường duy nhất chỉ gần nhà, tiện lối đi. Tính nhẩm chắc cũng 3-4 trường gì đó.
TIỂU HỌC
Lớp 1 bạn thẳng cánh vào trường công theo hộ khẩu mà không phải mất công sức gì như nhiều người nói. Học hè mấy buổi với một cô giáo trẻ măng nhưng hiền lành và yêu trẻ khiến các con nhớ cô tới tận năm sau vẫn nhắc mãi. Vào năm học lớp 1 thì gặp cô chủ nhiệm khác, hà khắc hơn và đỉnh điểm là dán băng dính vào mồm một bạn, gia đình kiện, cô bị kỷ luật nghỉ dạy từ cuối học kỳ 1. Học kỳ 2 cô giáo khác chủ nhiệm suôn sẻ tới cuối năm. Tuyệt đối không phải xin xỏ phong bì hay học thêm nhà cô ngày nào cả.
Lớp 2 nhà trường bắt buộc học hè tự nguyện, mình không thích nên xin phép nghỉ. Mùng 5/9 khai giảng xong thì đưa vào lớp, cô giáo có vẻ không hài lòng ra mặt. Mấy ngày đầu Na học có vẻ đuối vì các bạn học trước dịp hè, cô giáo nói thẳng với Na: không hiểu sao học hành thế này mà năm ngoái lại được “trạng nguyên”. Rồi cô cũng có ngỏ ý dạy thêm ở nhà với cả lớp xem ai đăng ký, mình lại bị điếc. Cô giáo chủ nhiệm này kỳ 2 nghỉ sinh, lại một cô giáo mới tiếp quản lớp.
Nhưng việc đáng nhớ nhất lớp 2 của Na đối với Bố là 3 lần đi họp CMHS, từ đầu năm tới cuối năm chỉ nói duy nhất một việc: “điều hoà của lớp đâu?“. Đến kỳ họp cuối năm rồi thì câu hỏi này xin nhường lại cho cô chủ nhiệm lớp 3. Hè lớp 2, nhà trường nói do dân số tăng nhanh, trường quá tải cần mở rộng quy mô nên sẽ phá một vài chỗ để xây dựng khang trang hơn. Để có thể đủ lớp học thì các khối 2-5 phải thay phiên nhau học cuối tuần.
Mình quyết định chuyển trường ngay vì nếu học cuối tuần thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch cả nhà. Tiêu chí tìm trường thay thế cũng lại vẫn đơn giản là: gần nhà, tiện đưa đón. Vậy là kết thúc 2 năm học ở trường công với tổng cộng 5 cô chủ nhiệm nhưng không mất một phong bì nào hay phải đi học thêm giờ nào như thiên hạ đồn thổi.
Lớp 3 trường mới bạn mới, sau mấy ngày đi học làm quen, hỏi Na có nhớ các bạn cũ không thì bảo có, vậy muốn quay lại trường cũ không thì bảo không. Ngay trước khi nộp hồ sơ vào trường này thì cũng có một vụ lùm xùm lớn nhưng mình thấy không quan trọng gì. Bố cũng chia sẻ làm quen với bác hiệu trưởng là chuyển sang đây không phải là vì trường hay, trường tốt, mà đơn giản là vì gần nhà tiện đường. Chỉ trao đổi với cô chủ nhiệm là làm sao cho Na mạnh dạn hơn, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui là được rồi. Năm này Bố không tham gia gì vào hoạt động của lớp, rồi thì túc tắc cũng qua lớp 3.
Lớp 4, lớp có mấy bạn chuyển đi vì nhiều lý do, trong đó có bạn mà mẹ làm trưởng ban CMHS nên trống mấy ghế. Chả hiểu đầu đuôi thế nào mà BPH đề nghị bổ sung mình, rồi lại còn định đề xuất làm trưởng ban. Ngày hội CMHS, mình phải “cướp diễn đàn” để từ chối mặc dù có vẻ đầy đủ tiêu chí theo yêu cầu. Nhưng mình cũng tình nguyện thay mặt CMHS lớp tặng cô giáo chủ nhiệm bức thư pháp của Thầy Nhất Hạnh – “Happy teachers will change the world“, “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” với hy vọng các cô được hạnh phúc thì các con sẽ hạnh phúc.
CHỌN TRƯỜNG
Trở lại vấn đề chọn trường, mình ủng hộ không trường chuyên lớp chọn, ai ở khu nào học khu đó. Có một vài trường quốc tế hay chất lượng cao cho người có nhu cầu và điều kiện. Đừng chạy theo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài như trường song ngữ hay tỷ lệ đỗ đại học cao. Nói như TS. Nguyễn Tuệ Anh hôm trước chia sẻ trong buổi hội thảo “Kiến tạo không gian và thói quen tự học ở nhà”: Kinh nghiệm của các trường ĐH danh tiếng thế giới hiện nay họ cần người UNIQUE, chứ không phải người có nhiều chứng chỉ này nọ. Nhiều hồ sơ của các bạn từ châu Á đẹp như mơ, 15 tuổi đã có kinh nghiệm tình nguyện ở châu Phi, IELTS 8.5, bài luận đẹp long lanh mà không nói được câu nào có giá trị khi trả lời phỏng vấn.
Giáo dục là công việc cả đời và quan trọng là bạn phải xác định theo con lâu dài được hay không? Nếu muốn lâu dài và bền vững thì phải xuất phát từ bên trong từng đứa trẻ chứ không phải chạy theo những lời mời gọi bên ngoài. Không phải ai giỏi cũng vào Harvard, và không phải ai học Harvard cũng giỏi. Hay như câu các cụ ta thường nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu!”
Kể dài dòng như vậy chỉ để muốn nói quan điểm, gia đình phải là trường học tốt nhất và quan trọng nhất cho con. Nhà trường và xã hội chỉ là chất xúc tác, đừng nên con có thành công thì nhận hết về mình, con không được như ý muốn thì đổ tại…bộ trưởng GD.
Quan điểm giáo dục của mình vẫn thống nhất từ đầu và…ơn giời giờ vẫn giữ nguyên không bị lung lạc.
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hà Nội, 26/9/2017
Hoàng Thanh Bình
Đăng lại vào ngày 25/7/2021 tại peaceworld.me