(Cơ duyên bất ngờ khi được tham gia buổi khai vấn 1:1)
Chương trình “Triệu Người Sống Bình An” đã thu hút sự chú ý của tôi trong gần một tháng vừa qua. Buổi sáng hằng ngày, khi mở Facebook lên, tôi lại thấy một video mới, dù chỉ dài từ 2 đến 3 phút, nhưng đã giúp tôi khởi đầu một ngày mới với những suy nghĩ tích cực và thêm yêu cuộc sống.
Những giọng đọc trong các video đều rất hay và lan tỏa cảm giác yên bình. Và tới một ngày, khi mở một video lên và đón chờ một giọng đọc ấm áp như mọi ngày. Nhưng tôi đã vô cùng bất ngờ, đó không phải là một bài đọc như thường lệ, thay vào đó là một bản nhạc Rap! Một bản nhạc Rap với từng câu từng chữ vô cùng ý nghĩa đem lại cảm giác bình yên kỳ lạ trong đợt giãn cách COVID ở Hà Nội.
Nghe xong vài lần, tôi thấy hơi tiếc, vì tên tựa đề ca khúc làm người xem không biết đó là một bản nhạc Rap. Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã mạnh dạn liên hệ với anh Hoàng Thanh Bình, là người khởi xướng chương trình để “feedback” về việc sao anh không ghi tiêu đề có thêm chữ “bản nhạc Rap” để nhiều người có thể tiếp cận hơn. Và thật bất ngờ là ý kiến đóng góp của tôi đã được “lắng nghe” ngay lập tức. Khi được tiếp xúc với nhóm phụng sự chương trình “Triệu Người Sống Bình An”, tôi bỗng cảm thấy bình an đến lạ lùng. Hóa ra bình an cũng có nhiều cấp độ như thế. Trước kia, tôi cũng cảm thấy cuộc sống của tôi đã bình an rồi mà. Bây giờ tôi lại thấy bình an nhiều hơn. Phải chăng đó là sự bình an tới từ một nhóm người với tâm nguyện trong sáng muốn lan tỏa năng lượng bình an tới tất cả mọi người.
Nhưng rồi tôi sớm nhận ra rằng, cảm giác bình an có thể sẽ biến mất rất nhanh, khi tôi bị những lo nghĩ của cuộc sống kéo đi. Đó là những vấn đề tôi lo nghĩ có thể đã từ rất lâu mà vẫn chưa có câu trả lời, hoặc chính là những việc vừa mới phát sinh. Cảm giác bình an giống như một liều thuốc gây “nghiện”, tôi ước ao được trở lại được trạng thái bình an ở “cấp độ cao” như mấy hôm trước tôi từng có. Suy nghĩ một hồi, tôi đã mạnh dạn “click chuột” để đăng ký một phiên khai vấn 1-1 cùng với anh Hoàng Thanh Bình mà anh đặt tên là “60 phút bình an”. Tôi có niềm tin là anh sẽ giúp được tôi có được trạng thái bình an đó.
Tôi chưa bao giờ tham gia buổi khai vấn như thế này. Tôi mong đợi gì ở không gian bình an (peace space) này? Là tôi muốn được nói, được tâm sự, và được có người lắng nghe và đồng cảm với mình. Chỉ thế thôi, nhưng hiệu quả nhiều hơn những gì tôi mong đợi. Tôi không chỉ nói được những gì tôi dự định, mà tôi còn nói được những cảm xúc mà tôi không định nói ra. Tôi đưa ra những câu hỏi luôn thắc mắc trong đầu, và thật kỳ diệu khi chỉ cần anh lắng nghe và gợi mở, thì câu trả lời đã được bật ra ngay trong đầu tôi mà không cần đợi câu trả lời từ anh.
Đối với một số người, nói chuyện với “coach” hay gọi cách khác là khai vấn, là một chuyện không cần thiết. Nhưng vì làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi biết chuyện này là rất bình thường ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt trong trường học, các quốc gia dân số thấp, khí hậu lạnh giá. Chỉ có những ai từng trải qua giai đoạn này mới thấu hiểu, có những cảm xúc, tâm trạng, mình không dám nói với ai, không tìm được sự đồng cảm. Chất chứa, để lâu ngày, sẽ có thể thành những vết thương trong tâm lý hoặc làm tâm trạng không vui, hay cáu gắt, lo âu, ảnh hưởng tới các quyết định trong cuộc sống.
Tôi đã từng bị như vậy, đã từng từ rất lâu rồi, nhưng thời đó, đâu có biết coach là gì. Rồi cứ tự trải qua, tự mắc sai lầm, rồi tự tìm cách để làm giải tỏa. Hậu quả có thể là có hàng loạt những quyết định sai lầm trong cuộc sống và bị sang chấn tâm lý trong rất nhiều năm. Dù lúc gặp anh Bình, tôi cũng không còn những vấn đề của nhiều năm trước kia nữa. Nhưng chợt nghĩ rằng, nếu hồi đó tôi gặp một người coach như anh, thì thời gian tôi được chữa lành sẽ nhanh hơn rất nhiều và cuộc sống tôi sẽ khác.
Ngay khi kết thúc buổi nói chuyện, tôi đã có thêm niềm tin ở bản thân và con đường mình đang đi. Ngay khi có lại được niềm tin này, sự bình an lại quay trở lại. Tôi cũng học thêm được một bài học, là đã “đi qua sông” rồi, thì “đừng vác theo chiếc bè” nữa, hãy để chiếc bè ở lại. Và tôi cũng được anh Bình chỉ thêm cho, “chiếc bè” tôi đang mang theo gồm có những gì. Những ngày tiếp theo đó, anh còn gửi thêm cho tôi một số bài viết phù hợp với vấn đề tôi đang băn khoăn, các bài viết cũng đã giúp tôi rất nhiều.
Tôi chợt nghĩ, tôi đã làm việc với rất nhiều người. Trong đó có những người đã tâm sự với tôi rằng: “Em ạ, con chị đi học xa nhà, mà chị cứ mất ngủ hoài vì lo lắng cho nó.”, hay “Em ạ, tỉnh chị đang sống vừa phát hiện vài ca COVID F0, mấy đêm nay chị lo quá, ngủ không ngon”. Và tôi biết, trong giai đoạn Việt Nam đang vào giai đoạn giãn cách xã hội dài, với rất nhiều kỷ lục về số ca COVID một ngày, có rất nhiều người đang bị tổn hại về tinh thần. Giá mà, họ có thể có dịp được nói chuyện với anh Bình như tôi. Tôi tin rằng, họ sẽ có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, và sẽ có một cuộc sống hạnh phúc tức thì.
Cảm ơn anh Hoàng Thanh Bình!
Nguyễn Thị Anh Thư
Chuyên gia tư vấn giáo dục – Cựu du học sinh Việt tại Úc
P/S: Ai tò mò muốn tìm cách để đăng ký “60 phút bình an” với anh Bình thì có thể truy cập vào link sau đây, mình tin rằng các bạn sẽ tìm thấy sự trọn vẹn bên trong chính mình chỉ bằng cách lắng nghe sâu mà anh Bình tạo ra trong không gian bình an như cách anh đặt tên là Peace Space này.