(Kiến giải Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ)
Thầy kính thương,
Con chưa có đủ nhân duyên và may mắn được thọ Năm Giới quý báu, nền tảng của hạnh phúc gia đình và chất liệu của chí nguyện lợi tha. Nhưng con hiểu rằng, việc quy y Năm Giới hay không chỉ là một “giả danh”, việc hành trì theo Năm Giới mới là điều quan trọng. Chính vì vậy mà từ ngày biết tới pháp môn của Làng Mai, con vẫn tâm niệm sống đúng theo tinh thần Năm Giới. Hôm vừa rồi, lần đầu tiên con được tham dự một buổi tụng giới cùng anh chị em tăng thân Hà Nội, khi mọi người tụng tới “Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ”[i], với những lời kinh rất lạ nhưng con lại cảm thấy rất xúc động. Như có một cái gì đó thôi thúc con, ngay khi về nhà, con tìm lại những thông tin liên quan tới “Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ”[1]. Và thật bất ngờ khi con đọc những dòng thư Thầy gửi cho đệ tử của mình giải thích lý do tại sao phải dịch lại Tâm kinh, những lời Thầy dặn dò như những hạt mưa pháp tưới tẩm tâm hồn con. Càng đọc con càng bị cuốn hút vào, điều đầu tiên con nhìn thấy là thời điểm Thầy dịch và công bố bản dịch Tâm kinh mới là tháng 8 năm 2014, như vậy có lẽ đây cũng là bản kinh cuối cùng mà Thầy dịch trước khi ngã bệnh. Con thầm nghĩ:
Đó có lẽ cũng là Tâm kinh của Thầy, là thông điệp sau cùng nhưng cũng là cao tột mà Thầy muốn gửi lại cho các con của mình với tình thương yêu và tin cậy vô bờ bến.
Thầy kính thương,
Như con đã từng chia sẻ, con tiếp cận tới giáo lý đạo Bụt hoàn toàn qua các cuốn sách của Thầy, rồi từ đó con nghe pháp thoại, nghe nhạc kinh cũng đều từ kho tàng đồ sộ của Làng Mai. Con không tiếp cận đạo Bụt theo cách truyền thống mà nhiều người học đạo thường làm, vậy nên con cũng chưa từng đọc một cuốn kinh nào trong Tam tạng kinh. Nhưng ngay cả những bài kinh đã được Thầy dịch ra, phổ nhạc hay tụng đọc, con cũng chưa từng nghe thấy kinh nào có tên “Tuệ Giác Qua Bờ”. Sau khi tìm đọc, con mới biết đó là bản dịch mới của Thầy về Tâm kinh Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa mà con đã từng nghe nói trước đây. Nhưng con vẫn chưa thực sự tìm hiểu để biết thế nào là Bát-Nhã, thế nào là Ba-La-Mật-Đa, tâm kinh này nói về cái gì? Con tìm đọc lại cuốn “Trái Tim của Hiểu Biết – Kinh Tinh yếu Bát Nhã”[2] để tra nguồn gốc, và thầm nghĩ rằng những câu mà có lẽ nhiều người đã từng nghe thấy như “sắc tức thị không, không tức thị sắc” có lẽ được bắt nguồn từ Tâm kinh này. Thế là con cứ lần mò dần, từ cuốn Trái Tim của Hiểu Biết, con thấy đoạn Thầy nói về cuộc gặp giữa Bụt và Ma Vương rất quen. Trong đầu con chợt nhớ ra, đó là đoạn thư mà Thầy gửi cho Thầy Thanh Từ được trích trong cuốn “Nẻo về của Ý”[3] – một cuốn sách mà con rất yêu thích. Qua đoạn trích bức thư đó, con thấy rõ được sự chứng ngộ của Thầy khi kể với Thầy Thanh Từ về “con gà đã mổ được vỏ quả trứng và chui ra ánh sáng”. Con cũng thấy được tính tương tức giữa cặp CÓ – KHÔNG của Tâm kinh trong ví dụ Thầy nói về Bụt và Ma Vương. Vị Ma Vương có đó khi Bụt có đó, vị Ma Vương đã được Bụt tiếp đón như một thượng khách của Ngài.
Từ đây, con tìm hiểu thêm những thông tin khác về Tâm kinh, trong đó có cả những bài “phê bình” về bản dịch mới của Thầy, tuy nhiên khi con đọc cũng không thấy có gì đáng lưu tâm lắm. Hầu hết mọi người nêu ý kiến phản đối vì họ vẫn đang bị kẹt vào một ý niệm, như trong câu chuyện ngụ ngôn về một vị thương gia có người con bị bắt cóc và đốt nhà. Bụt đã dạy chúng ta rằng khi đã bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Nhưng do chưa thực hiểu về cặp “không có, không không” mà Thầy mới thêm vào bản dịch mới này, mà con muốn tìm hiểu thêm về chữ KHÔNG trong Tâm kinh. Thật may mắn khi con tìm đọc được những bài giảng về Tâm kinh Bát Nhã của Thầy Thanh Từ có nói rất chi tiết [4]. Qua những gì con đọc được, con thấy mình như tâm mình được khai sáng, giải thích rõ ràng về “TÍNH KHÔNG” trong Tâm kinh[5]. Và, một điều đặc biệt nữa, Thầy Thanh Từ cũng đã chứng ngộ, “liễu đạt lý SẮC – KHÔNG, thấu suốt thật tướng Bát-nhã”[6] qua câu truyện mà Thầy kể về giấc mơ thấy Tổ Huệ Khả đọc bài kệ có câu cuối là “không bình, không trắc” trong cuốn “Phật Pháp tại thế gian”.[7]
Như vậy nên con thấy, cả hai vị Thầy muôn vàn khả kính mà con hay tìm đọc và học được rất nhiều qua những cuốn sách đều đã chứng ngộ từ những điều vi diệu thâm sâu của Tâm kinh Bát Nhã. Có thể nói, Tâm kinh đã theo Thầy từ khi là một chú điệu cho tới thời điểm trước khi Thầy ngã bệnh. Thầy đã truyền lại cho đệ tử một bản Tâm kinh mới, với những từ ngữ thuần Việt hơn, dễ hiểu hơn để con có cơ hội tiếp cận và hiểu ra được những điều thâm sâu vi diệu đó. Nói về Tâm kinh Bát Nhã là nói về Trí Tuệ Bát Nhã, trí tuệ về cái “không có, không không” của vạn pháp, như bà kệ được Bồ-tát Long Thọ trích dẫn trong Trung Quán luận:
“Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc danh vi Giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa.”
Thầy Làng Mai dịch:
“Các pháp do duyên sinh
Tôi gọi chúng là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng gọi là trung đạo”
Nếu không hiểu rõ được “TÍNH KHÔNG” trong Tâm kinh Bát Nhã, nếu không sử dụng Trí Tuệ Bát Nhã để soi chiếu, thì sẽ rất dễ bị vướng mắc vào cái chấp có, chấp không, cái chấp nào cũng là một biên kiến. Điều này quả thực rất khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn, chính vì vậy mà “cái mũi của sư chú còn đau tới bây giờ” hay như câu chuyện về Thiền sư Lương Giới, Tổ tông Tào Động:
“Lúc mới cạo tóc vào chùa, đọc kinh Bát-nhã, Ngài thấy kinh nói: “vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, Ngài bạch với thầy:
– Con có mắt tai mũi lưỡi thân ý, nhưng sao trong kinh nói không có. Nghĩa này thế nào?
– Vị thầy lắc đầu bảo Ngài đi tìm học chỗ khác, vì thầy giải nghĩa không nổi.”
Có lẽ cũng chính vì sự khó hiểu này mà trong chùa thường hay nói câu: “Thà chấp có bằng núi Tu Di, không nên chấp không bằng hạt cải“. Nếu chưa hiểu được “TÍNH KHÔNG” trong kinh Bát Nhã thì tốt nhất để cho chúng sinh chấp CÓ còn hơn là chấp KHÔNG. Nói vậy để thấy rằng, tâm kinh Bát Nhã quả thực thâm sâu và vi diệu, đòi hỏi phải có trí tuệ lớn, trí tuệ Bát – Nhã mới có thể thấu đạt, nếu không sẽ rất dễ dẫn tới hiểu nhầm. Càng đọc, con càng thấy lý do để Thầy bổ sung thêm bốn chữ “không có, không không” thật tuyệt diệu. Con nhớ tới bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đời Lý mà khi đọc lại con càng thấy thấm thía hơn:
“Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.”
Thầy Thanh Từ dịch:
“Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.”
Ngay cả Đức Thế Tôn sau 49 năm thuyết pháp, trước khi nhập Niết Bàn, Ngài cũng đã nói: “Ta có nói gì đâu”. Con hiểu thêm rằng, sở dĩ Ngài nói vậy là để “phá trừ kiến chấp” đối với các đệ tử và chúng sinh để không bị vướng vào giáo pháp kinh điển. Những lời Đức Thế Tôn giảng dạy không phải Chân Lý, nó chỉ là con đường dẫn đến Chân Lý và sự giải thoát khổ đau. Giáo pháp của Đức Thế Tôn cũng giống như tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người qua sông, khi đã thấy được mặt trăng hay khi đã sang bờ kia rồi thì vứt bỏ cánh tay đi, vứt bỏ chiếc bè đi.
Khi con đang viết những dòng cuối cùng này, ngẩng mặt lên nhìn qua cửa sổ, con thấy những chiếc lá xanh non của cây lộc vừng đang vươn mình trong nắng mới, con chợt nhớ tới bài thơ “Bát Nhã”[8] trong tập thơ “Thử tìm dấu chân trên cát” của Thầy, mà con rất ấn tượng khi lần đầu tiên đọc được trong cuốn “Trái Tim Mặt Trời”[9], trong đó Thầy nói rằng đã “viết nhại theo Tâm Kinh Bát Nhã”:
“nắng là lá cây xanh
lá cây xanh là nắng
nắng chẳng khác lá xanh
lá xanh chẳng khác nắng
bao nhiêu hình sắc kia
cũng đều như vậy cả”
Con biết rằng, cái hiểu của con vẫn đang chỉ là những bước chân đầu tiên, như một em bé đang tập đi, nhưng khi “đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Con sẽ tiếp tục thực tập theo những giáo lý mầu nhiệm mà Đức Bụt, các vị Bồ-Tát, các vị Tổ và Thầy đã soi sáng.
Thương kính dâng lên Thầy!
Hà Nội, tháng 4 năm 2018
Con Hoàng Thanh Bình.
Tài liệu tham khảo
[i] Tụng Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ https://youtu.be/nDMsz2W6kwk
[1] Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ https://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-moi-dich/tam-kinh-tue-giac-qua-bo/
[2] Kinh Tinh yếu Bát Nhã – Trái Tim của Hiểu Biết https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/kinh-tinh-yeu-bat-nha/
[3] Nẻo về của Ý https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/neo-ve-cua-y/
[4] Kinh Bát Nhã giảng giải – HT Thích Thanh Từ http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Kinh/BatNha/TRANG_CHINH.htm
[5] Chữ KHÔNG trong bài kinh Bát Nhã http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/PhoThong/HoaVoUu3/Html/11.htm
[6] Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Từ http://www.thuong-chieu.org/uni/HanhTrang/TieuSu.htm
[7] Phật Pháp tại thế gian – HT Thích Thanh Từ http://butsen.net/sach/thich-thanh-tu/phat-phap-tai-gian
[8] Bài thơ Bát Nhã https://langmai.org/tang-kinh-cac/tuyen-tap-tho-nhat-hanh/thu-tim-dau-chan-tren-cat/bat-nha/
[9] Trái Tim Mặt Trời https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/trai-tim-mat-troi/