(Nói với tuổi hai mươi)
Hôm nay nhân việc có một chị bạn chia sẻ về việc chị có cảm giác sợ hãi khi gặp những tình huống tai nạn trên đường, một mặt muốn dừng lại hỗ trợ người bị nạn, nhưng mặt khác lại sợ hãi nếu phải nhìn thấy vết thương, máu chảy nên muốn chạy đi cho mau qua khỏi chỗ đó, rồi sau đó lại áy náy vì việc này.
Mình nghĩ ai cũng đã từng có những cảm giác như vậy, vì bản chất con người đều có sẵn 51 tâm hành giống nhau, chỉ có điều tùy mỗi hoàn cảnh mà con người lựa chọn cách hành xử cho phù hợp, và quan trọng là không cần phải áy náy vì sự lựa chọn của mình. Mình cũng đã từng gặp nhiều vụ tương tự, và có những vụ mình dừng lại giúp, có những vụ mình bỏ qua và nghĩ cũng đã có nhiều người khác đang giúp đỡ họ rồi. Mình xin kể lại một hoàn cảnh mà mình đã dừng tay lại giúp, và đó vẫn là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình mỗi khi nhắc lại.
Năm đó mình 20 tuổi, một buổi tối sau khi đi chơi nhà một người bạn và đang đi bộ về ký túc xá, đang hý hửng cầm trên tay một cuốn “Lê Nin toàn tập” vừa mượn được. Lúc đó khoảng 10h tối, đang gần tới cổng trường nằm trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội thì mình nghe một tiếng UỲNH rất to. Nhìn theo hướng phát ra âm thanh thì thấy có một vụ tai nạn ở giữa đường, một chiếc xe máy bị đổ, một người nam giới lồm cồm bò dậy ở dải phân cách giữa đường. Ngay lúc đó, một ý nghĩ trong đầu xuất hiện: “buổi tối thanh vắng, mình có nên ra đó xem sao hay không? mình nên đi về vì có thể có người nào đó sẽ đi lướt qua và dừng lại trợ giúp…có nên ra xem sao không?…”. Tần ngần đứng một lúc thì thấy có vẻ đường vắng người quá, và người đàn ông lồm cồm bò dậy lúc nãy thì đã chạy lẩn đi mất, xe máy vẫn nằm im và không có thêm dấu hiệu gì bất thường. Trong đầu một mặt vẫn xuất hiện ý nghĩ là nên đi về đi, chắc không sao đâu, một mặt vẫn nghĩ nếu có ai đó đang nằm giữa dải phân cách kia mà không ai biết để giúp đỡ thì sao? Cuối cùng mình vẫn quyết định đi ra đó xem sao, vượt qua được bước đầu của nỗi sợ hãi.
Ra gần tới nơi, mình nghe thấy tiếng kêu cứu, thì ra là có người bị nạn ở đó thật. Tiếng kêu của một người phụ nữ, rất yếu ớt. Tới nơi, trời tối không rõ mặt, nhưng mình giật nảy mình khi người phụ nữ đó cố bám chặt lấy mình, kêu cứu. Sau một chút sợ hãi, mình biết là mình đang gặp phải một tình huống nguy cấp, cảm giác như chị ấy sắp tắt thở. Với bản năng của người bị nạn, chị cố gắng nói cho được vài tiếng kêu cứu, bảo đang đi thì gặp người đàn ông đi bộ qua đường và đâm phải, chị nhờ khẩn thiết đưa vào bệnh viện. Nhìn quanh thì người đàn ông đã biến mất, mình lấy lại bình tĩnh, dựng xe máy của chị, dìu chị lên ngồi sau và đi thẳng tới bệnh viện Hà Đông.
Chị không nói được thêm gì, chỉ ôm chặt lấy mình khi đi xe. Tới nơi mình đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Chị cố gắng thều thào được một vài câu mà mình phải lắng nghe lắm mới nghe được là chị nhờ mình lấy điện thoại trong túi áo và gọi cho người thân. Mình người vẫn run cầm cập nhưng vẫn cố gọi điện được cho người nhà để báo tin, và sau khi trao đổi với các bác sĩ đã tiếp nhận, mình xin phép bác sĩ cho mình về. Mình vẫn áy náy là không ở lại cho tới khi người nhà chị ấy tới, nhưng cũng vì người dính toàn máu, lại mặc áo trắng, cũng lo KTX đóng cửa nên phải về sớm. Rất nhiều người hiếu kỳ ở đó, sau này nhớ lại mình vẫn thấy may là không bị các anh hùng hào kiệt đó giữ lại, rồi cho vài quả đấm như các trường hợp tương tự bây giờ. Về tới phòng KTX, các bạn ở cùng đều hốt hoảng, không hiểu vì sao một thằng không đánh nhau bao giờ mà hôm nay lại máu me đầy người. Sau cũng kể lại sơ qua mọi chuyện.
Kể từ đó, mình vẫn không biết chị ấy là ai, và khi đó chị ấy có nặng lắm không? Nhưng mình tin, chị ấy chắc chắn đã qua khỏi, và sẽ vẫn còn nhớ về một người đã giúp chị ấy khi đó, mặc dù không biết đó là ai. Thỉnh thoảng có nghĩ về việc đó và mình vẫn mỉm cười vì đã vượt qua được nỗi sợ hãi, và lại còn cứu được một người thực sự cần thiết.
Hà Nội, 06/02/2020